Câu chuyện về ABC Food

Nếu bạn có thời gian, và quan tâm đến ABC Food cũng như nhãn hàng đậu phụ chúng tôi, tôi xin kể với các bạn câu chuyện về hành trình ra đời đầy nhiêu khê trắc trở của doanh nghiệp chúng tôi, doanh nghiệp mà hiện đang chiếm thị phần số một về sản phẩm đậu phụ ở đất Hà Nội.

Tôi là Mr.Tofu (xin phép cho tôi dùng bí danh, vì tôi khá thích cái tên này, tôi cũng hay dùng và nó phù hợp với câu chuyện tôi muốn kể). Tôi là Giám đốc của công ty TNHH Thực phẩm sạch ABC. Không như suy nghĩ của nhiều người, tôi là 1 người con của làng nghề nhưng không biết về nghề, cũng chưa từng trực tiếp làm ra 1 bìa đậu. Nhưng tôi lại bén duyên với nghề vì có thể trong người đã có gen làm đậu, theo như cách tôi vẫn giới thiệu mình với bạn bè đối tác.

Sinh ra trong 1 gia đình truyền thống của làng nghề đậu phụ Nghi Khúc, thế hệ cha ông đi trước đã trải qua nhiều đời gắn bó với bìa đậu, thậm chí có hỏi các cụ già nhất trong làng hiện đã ngót nghét 100 tuổi cũng không thể nhớ nổi làng nghề bắt đầu từ khi nào. Vì vậy nếu các bạn để ý thấy logo Đậu Phụ Ông Bồng của chúng tôi thì các bạn sẽ thấy có dòng chữ since 1932, chính là thời điểm bà nội tôi bắt đầu sinh thành, khi lập nghiệp cũng tiếp quản nghề truyền thống của các cụ để lại và tiếp tục truyền lại cho 6 người con trong gia đình đi khắp nơi Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội… mỗi gia đình sở hữu 1 lò đậu.

 

 

Thời điểm đó nghề đậu hoàn toàn làm thủ công, nên phải những người được dạy nghề từ nhỏ mới có thể làm được ra những bìa đậu ngon. Vì vậy người làng nghề tôi có thu nhập rất tốt, thấp nhất cũng có của ăn của để, giỏi giang hơn thì làm đậu dư dả mua sắm nhà cửa xe cộ tivi như giới Tư sản là chuyện bình thường. Có những câu chuyện chúng tôi được các chú các bác kể đi kể lại vẫn tưởng như chuyện lạ, đó là việc Bác cả bên ngoại nhà tôi thông minh học giỏi có tiếng ở tỉnh, đi thi giải nhất miền Bắc, được tuyển thẳng vào 2 ngôi trường danh tiếng nhất hồi đó là sư phạm 1, và mỏ địa chất. Nhưng bà ngoại tôi không muốn gia đình mất đi 1 nhân lực làm đậu, không thích cho con đi học, mang sách vở ra tận cánh đồng vứt để ngăn cấm việc con đi học xa nhà, vì thời điểm đó có học xong đi làm nhận đồng lương cũng thua xa thu nhập từ làm đậu, cuối cùng bác tôi đã chọn 1 phương án nghe như chuyện hài: Lấy cho bà ngoại tôi 1 cô vợ (là bác gái tôi bây giờ vẫn đang làm đậu ở chợ Như Quỳnh, Văn Lâm) để ở nhà có người phụ giúp bà làm đậu, rồi bác xách balo lên đường theo đuổi sự học. Rồi câu chuyện Bác cả bên nội nhà tôi năm những năm 80 đi làm đậu trên Hòa Bình do khôn khéo trong kinh doanh, bao thầu đậu cho cả thị trấn Chi Nê và các vùng lân cận ở Lạc Thuỷ – Hoà Bình, nhà rất giầu có, đã từng xách 1 bao tải tiền về trung tâm huyện để mua 1 miếng đất ngay ngã tư đẹp và đắt nhất huyện, tất cả có được chính từ những bìa đậu mà ra.

Thế nhưng đến giai đoạn sau này, bắt đầu từ thế hệ con cháu chúng tôi được sinh ra trong những năm thập niên 80 trở về sau, đã không còn được khuyến khích nối nghiệp nữa. Mẫu hình con cháu thành công được đưa ra làm gương cho anh em trong nhà noi theo là phải ly hương, học hành thành đạt, đi làm trong các Công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn… Thỏa mãn được ước nguyện của các cô các bác như câu chuyện trong bức tranh đồng Vinh Quy Bái Tổ được treo trên phòng khách ở hầu hết mỗi gia đình. Đơn giản vì nghề đậu xưa nay mặc dù thu nhập cao cũng chưa bao giờ được tôn vinh.

Lí do thật sự nghề đậu là nghề rất vất vả, thức khuya dậy sớm, làm xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của cả một đời người. Điển hình như Bác tôi, do ham làm, trong vài chục năm làm đậu giờ giấc sinh hoạt không giống bất kỳ nghề nào: Dậy từ 12h đêm, làm đến sáng mang ra chợ bán, 12h trưa mới được đi nghỉ, tranh thủ bữa cơm vội lại đánh 1 giấc cả buổi chiều, 18h dậy ăn cơm tối xong lại tất bật lên giường ngủ để 12h đêm dậy tiếp tục công việc, cứ lặp đi lặp lại như vậy từ khi cưới bác gái năm 22 tuổi, đến khi gần 60 tuổi, tuổi “về hưu” mới được trở lại cuộc sống của 1 người bình thường. Hầu hết các hộ gia đình làm đậu của làng nghề đều theo nếp sinh hoạt như vậy không có cách nào khác được. Cũng đã từng có nhiều người không đủ sức khỏe phải bỏ nghề.

Chính vì nếp sống không giống ai như vậy, nên phải hi sinh rất nhiều thú vui, ham muốn về tinh thần, rất hạn chế giao lưu bạn bè, chỉ khi nào giỗ chạp, tết nhất, tranh thủ được vài ngày nghỉ tụ tập gia đình, xong lại phải sớm trở lại với guồng quay công việc. Vì đậu phụ là đồ ăn trong ngày mà hầu hết các lò đậu đều cung cấp cho các nhà hàng, quán xá, các bếp ăn tập thể… nên không thể ngừng hàng của khách, công việc vì thế lại càng bị cuốn, rất khó khăn để ra quyết định nghỉ làm dù chỉ là 1 2 buổi hàng.

Một vấn đề lớn nữa làm xã hội thường có ánh mắt không mấy thiện cảm đối với nghề, là nghề đậu thời kỳ đó còn hạn chế về khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất thô sơ, hạ tầng cống rãnh thời kỳ đó cũng còn thiếu nhiều. Nên thường khi chọn nơi lập nghiệp sẽ chọn những địa điểm gần ao hồ sông ngòi, những chỗ dễ xả chất thải nhất. Do vậy nghề làm đậu lại càng bị gắn với 2 chữ “thấp kém”, ai cũng sợ ở gần hàng xóm làm đậu mùi chất thải hôi thối khá khó chịu. Các bạn đừng hiểu nhầm theo nghĩa là sản phẩm này mất vệ sinh, cần phân biệt bên trong khu vực sản xuất với hạ tầng xung quanh, hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Nếu một người tính lôi thôi, lười dọn dẹp vệ sinh đồ nghề, chỗ sản xuất bẩn thỉu thì sẽ không thể làm ra được bìa đậu thơm ngon. Đậu được ví như thịt thực vật, Protein trong đậu rất cao và phân hủy lên mùi cũng rất nhanh, vì vậy khu vực làm đậu cần hệ thống thoát nước thải tốt, còn nếu dụng cụ làm đậu mà không được liên tục vệ sinh giữ sạch sẽ thì chắc chắn bìa đậu làm ra sẽ không thể có mùi thơm, ăn sẽ không có vị béo ngậy, mà thay vào đó là đậu sẽ nhanh chua, hoặc bị mùi ngang, ngái và vị nhạt.

 

 

Chính vì chưa khi nào nghề đậu quê tôi được đem ra lấy làm niềm tự hào bởi mình là người con của làng nghề Tổ Đậu Nghi Khúc. Nên học song đại học, cũng tham gia kinh doanh buôn bán, có thu nhập, nhưng tôi chưa khi nào ngừng nghĩ về vấn đề này. Tại sao nhiều làng nghề khắp cả nước được vinh danh, được phục dựng, được công nhận di sản, mà làng nghề tôi có từ nhiều trăm năm lại không được như vậy?

Nghĩ là làm, tôi quyết định sang ngang, từ 1 người với kinh nghiệm làm thương mại dày dạn, tôi quay 180 độ sang làm sản xuất, với đậu phụ thì đầu tư tiền tỷ thu về bạc cắc, lại càng là một quyết định đến bây giờ nhiều người vẫn nói là tôi liều và dại dột. Khi bắt đầu, tôi cũng không hề được gia đình ủng hộ, mặc dù bố mẹ tôi cung cấp đồ nghề nhưng vì vừa làm vừa giấu, tôi đã phải chỉ cộng sự về chính nhà mình, mua vật tư dụng cụ của bố mẹ để bắt đầu công cuộc khởi nghiệp lần nữa với sản phẩm đậu phụ. Tôi còn phải cho toàn bộ anh em đến nhà các cô gì chú bác ăn nằm nhiều ngày trời để học nghề, cũng rất vất vả thuyết phục để được các bác hướng dẫn tận tình và không quên dặn dò các cô các bác tuyệt đối phải giữ bí mật. Nếu không, bố mẹ tôi biết chuyện đứa con trai duy nhất, là niềm hi vọng của cả gia đình, tốt nghiệp trường đại học có tiếng, công việc, gia đình sự nghiệp đang ổn định lại bỏ ngang để “đi làm đậu” thì có lẽ bố tôi sẽ mang cả máy ủi đến san bằng xưởng đậu của tôi ra mất.

Với con mắt nhìn nhận thị trường sau nhiều năm bôn ba đi kinh doanh, tôi nhận thấy mặc dù đậu phụ là sản phẩm thiết yếu, đã chứng minh sự trường tồn không thể thay thế trong hàng trăm năm, già trẻ lớn bé, khỏe mạnh hay ốm đau bệnh tật đều ăn được, nhưng lại chưa có một công ty hay các tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn ngó ngàng. 

Nhìn thì thấy cơ hội sáng lạn là vậy, nhưng càng đi sâu, tôi lại càng hiểu lí do. Vì Đất nước Việt Nam mình là quốc gia có nền tiểu thủ công nghiệp rất mạnh, nhiều làng nghề thủ công, sản phẩm làm ra mặc dù tinh xảo, mất nhiều công sức vất vả, nhưng lại được người làm ra định giá vô cùng thấp. Không những thế hạn dùng sản phẩm đậu phụ của tôi làm ra chỉ tính bằng giờ. Đây là những rào cản rất rất khó để các công ty lớn muốn làm quy mô công nghiệp có thể vượt qua trong ngành đậu phụ, và đó chính là nguyên nhân mà đến hiện tại hầu hết thị trường ngoài chợ cóc với hàng ngàn hàng vạn lò đậu thủ công vẫn nắm thị phần gần như tuyệt đối.

Chặng đường 4 năm tưởng nhanh mà có những thời điểm dài như vô tận, đã từng mắc sai lầm để vuột mất hợp đồng nhiều tỷ, có những lúc doanh số của cả công ty rơi từ trên đỉnh xuống vực sâu, có những lúc phải ngừng sản xuất cả một khoản thời gian dài vì bài toán tôi chọn để giải: “làm đậu thủ công ở quy mô lớn” là việc chưa từng có ai làm thành công. Tôi cũng cảm thấy mình có phần may mắn, vì có những anh em cộng sự cùng đam mê, cùng chí hướng, cộng với việc lựa chọn thị trường kênh siêu thị thực phẩm sạch, là xu hướng của tương lai. Và chúng tôi vẫn cứ bước từng bước qua những lần vấp ngã một cách chậm rãi.

Trải qua 4 năm hình thành và phát triển, với những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, đôi lúc đã từng nghĩ đến chuyện buông bỏ. Nhưng vì ước mơ mang danh tiếng làng nghề vươn xa, vì cái tôi muốn chứng minh cho cả gia đình thấy con đường mình đã chọn, vì cả lòng tự ái, và vì lời hứa với chính bản thân mình phải làm được cái gì đó lớn lao như câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ đã dạy:

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông

Trong cuộc trần ai, ai dễ biết?

Rồi ra mới rõ mặt anh hùng

Thời điểm hiện tại dù chưa dám nghĩ đến việc mình đã “Có danh gì với núi sông”. Nhưng khi ngoảnh lại tôi đã thấy chút thành quả nhỏ bé của mình và các anh em chiến hữu, hiện tại thương hiệu Đậu Phụ Ông Bồng của chúng tôi đang chiếm thị phần số 1 ở kênh thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội, đã trở thành đối tác của những công ty suất ăn lớn nhất, chuỗi nhà hàng lớn nhất, doanh nghiệp FDI lớn nhất, cùng nhiều khách sạn 5 sao và hàng trăm siêu thị lớn nhỏ…

Nhưng với một tập thể gia đình ABC Food luôn hừng hực khí thế chiến đấu, không bao giờ chúng tôi cho phép mình dừng lại, mục tiêu lớn vẫn còn ở chặng đường dài phía trước…

Tầm nhìn

Trở thành đơn vị dẫn đầu thị trường Hà Nội về cung cấp các sản phẩm thực phẩm truyền thống.

Mang đến cho nhân viên một môi trường làm việc tràn ngập niềm vui hạnh phúc, sống một cuộc đời nhân văn và ý nghĩa.

Xây dựng được thương hiệu trường tồn với thời gian, là niềm tự hào của cán bộ công nhân viên lẫn cổ đông.

Sứ mệnh

Mang đến những bữa ăn ngon cho đình Việt. Để hàng triệu căn bếp luôn được nhóm lửa hạnh phúc, để thế hệ người Việt trẻ mới thêm yêu những bữa cơm gia đình.

6 GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA CHÚNG TÔI

SÁNG TẠO

Đề cao và tôn trọng những ý tưởng sáng tạo, không ngừng cải tiến quy trình hoạt động để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu lãng phí.

TẬP TRUNG

Luôn biết cân đối nguồn lực để tập trung giải quyết dứt điểm từng vấn đề ở toàn bộ các cấp trong Công ty.

ĐỒNG ĐỘI

Đồng nghiệp như ruột thịt. Luôn sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trong công việc cũng như cuộc sống.

CÔNG NGHỆ

Tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng. Trở thành doanh nghiệp thực phẩm công nghệ.

CHÍNH TRỰC

Trọng danh dự, giữ lời hứa, nói được thì làm được. Có tính kỷ luật về đạo đức, trung thực với những điều đã xảy ra và sẵn sàng đối mặt nhận trách nhiệm về kết quả.

ĐƠN GIẢN

Tư duy đơn giản để giải quyết mọi vấn đề một cách trực diện và hiệu quả nhất.

LÀNG NGHỀ NGHI KHÚC TRÊN 100 NĂM TUỔI

Khởi đầu từ một lò đậu phụ gia đình đầu thế kỷ 19 tại làng đậu nức tiếng Bưởi Quốc. Trải qua hành trình hàng trăm năm gắn bó với tình yêu trong từng sản phẩm, đủ để chúng tôi am hiểu từ ADN hạt đậu tương cho đến đĩa thức ăn được chế biến trên bàn ăn của mỗi gia đình người Việt.

Là thế hệ gia truyền đời thứ 5 trong gia đình, kế thừa kinh nghiệm cùng các bí quyết truyền thống, kết hợp với sức mạnh công nghệ trong kỷ nguyên 4.0. Chúng tôi vận dụng tri thức nhân loại trong thời đại mới từng bước hoàn thành sứ mệnh thế hệ trước còn trăn trở. Nâng tầm những thực phẩm truyền thống, vừa phải đảm bảo giữ nguyên hương vị ngon, sạch, truyền thống, và còn đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất.